Mặc dù làn sóng lây nhiễm COVID-19 kéo dài từ cuối tháng
4/2021 tới nay đã tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội của Việt
Nam trong quý III/2021, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quý III vẫn
đứng vững với thanh khoản TTCK duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch (GTGD)
bình quân trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) trong quý III/2021 đạt 26.837 tỷ đồng/phiên,
tăng nhẹ 0,9% so với quý II/2021 và tăng gấp 4 lần so với quý III/2020.
NHÌN LẠI THỊ TRƯỜNG QUÝ III/2021
Nền kinh tế chịu
tác động nặng nề bởi làn sóng COVID-19 thứ 4 trong quý III/2021
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 kéo
dài từ cuối tháng 4/2021 tới nay đã tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế
- xã hội của Việt Nam trong quý III/2021. Trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng
cao, vượt 10.000/ca ngày trong tháng 7 và 8, Chính phủ đã phải siết chặt giãn
cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Điều này đã làm cho nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến tăng
trưởng kinh tế trong quý III/2021. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) quý III /2021 của Việt Nam giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm
sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực
nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm
5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với
cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô 9 tháng vẫn có một số điểm sáng
như lạm phát được kiểm soát tốt, CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với
bình quân cùng kỳ năm 2020, tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt
khá. Việc ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô giúp tạo dư địa cho các chính sách tài
khóa, tiền tệ mở rộng trong thời gian tới để thúc đẩy quá trình phục hồi của nền
kinh tế kể từ quý IV/2021 sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
TTCK Việt Nam vẫn
đứng vững trong quý III nhờ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân
TTCK Việt Nam khởi đầu quý III
không mấy thuận lợi khi các chỉ số chủ chốt đều lao dốc mạnh trong tháng 7 do
những tác động tiêu cực từ làn sóng COVID-19 thứ tư. Chỉ số VN Index lùi dần từ
mức đỉnh lịch sử 1.420,3 điểm xuống mức thấp nhất là 1.225,5 điểm (trong phiên
ngày 20/7), giảm mạnh 13,8% từ đỉnh. Tâm lý thị trường dần ổn định trở lại
trong giai đoạn cuối tháng 7 sau khi Chính phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội
tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam để kiểm soát dịch bệnh. Chỉ số VN Index lấy lại
mốc 1.300 điểm và chốt tháng 7 tại 1.310 điểm, ghi nhận mức giảm 7,0% trong
tháng 7. Các chỉ số HNX Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận mức sụt giảm lần lượt
là 2,6% và 3,7% trong tháng 7.
TTCK biến động mạnh trong tháng
8. Chỉ số VN Index duy trì xu hướng phục hồi trong 3 tuần đầu tháng và đạt đỉnh
ngắn hạn tại mức 1.374,9 điểm trước khi áp lực bán gia tăng mạnh kéo chỉ số VN
Index lùi sát về mốc 1.300 điểm sau thông tin một số tỉnh thành phía Nam, đặc
biệt là Tp. Hồ Chí Minh siết các biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai
ở đâu ở yên đó” để đối phó với đà lây nhiễm COVID-19 tăng cao. Chỉ số VN Index
phục hồi nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tháng 8 và chốt tháng tại mức
1.331,5 điểm, tăng nhẹ 1,6% so với cuối tháng 7. Trong khi đó, các chỉ số HNX
Index và UPCoM-Index giao dịch hứng khởi hơn khi dòng tiền thông minh có xu hướng
dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ghi nhận mức tăng ấn tượng lần
lượt là 8,9% và 7,9% trong tháng 8.
Bước sang tháng cuối cùng của quý
III, thị trường giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán trong bối cảnh thông tin
hỗ trợ và tiêu cực đan xen. Chỉ số VN Index dao động trong kênh giá tương đối hẹp
trong khoảng 1.316 - 1.366 điểm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh
các dự báo về tăng trưởng GDP quý III và kết quả doanh quý III của các doanh
nghiệp niêm yết (DNNY) không mấy tích cực do tác động tiêu cực của làn sóng
COVID-19 thứ tư. Chốt tháng 9/2021, chỉ số VN Index chỉ tăng nhẹ 0,8% lên mức
1.342,1 điểm, giảm 4,7% trong quý III/2021. Tính từ đầu năm, chỉ số VN Index vẫn
đạt mức tăng trưởng tương đối ấn tượng là 21,6% và thuộc nhóm các TTCK tăng trưởng
mạnh nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số HNX Index chốt phiên 30/09 tại mức
357,3 điểm, tăng ấn tượng 10,5% trong quý III (tăng 75,9% kể từ đầu năm) và chỉ
số UPCoM-Index chốt tháng 9 tại mức 96,56 điểm, tăng 7,0% so với cuối quý II và
tăng 29,7% so với cuối năm 2020.
Bán lẻ là quán
quân tăng trưởng giá trong quý III/2021
Bán lẻ là ngành có diễn biến giá
tích cực nhất trong quý III/2021, ghi nhận mức tăng 26,7%, được dẫn dắt bởi đà
tăng của những mã cổ phiếu chủ chốt trong ngành như MWG, DGW và FRT. Tiếp theo là
nhóm cổ phiếu Vận tải (+17,7% trong quý II/2021), VLXD (+17,6%), Điện (+16,1%),
Hóa chất (+13,2%) và Bảo hiểm (+12,0%).
Ở chiều ngược lại, hai ngành chiếm
tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán là Ngân hàng và Bất động sản
(BĐS) chứng kiến sự điều chỉnh mạnh trong quý III/2021 với mức giảm lần lượt là
13,1% và 7,9% so với thời điểm cuối tháng 6. Những mã vốn hóa lớn như VCB, VIC,
VHM, CTG, BID đều chứng kiến sự điều chỉnh trong quý vừa qua. Đồ uống (-5,6%)
và Dầu khí (-5,1%) là hai ngành còn lại trong nhóm những ngành suy giảm trong
quý III năm nay.
Thanh khoản thị
trường duy trì ở mức cao trong quý III
Thanh khoản TTCK duy trì ở mức
cao với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM)
trong quý III/2021 đạt 26.837 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 0,9% so với quý II/2021
và tăng gấp 4 lần so với quý III/2020. Cụ thể, thanh khoản bình quân trên HOSE
trong quý III/2021 đạt 21.821 tỷ đồng/phiên (giảm nhẹ 0,2% so với quý liền trước),
thanh khoản bình quân trên HNX đạt 3.327 tỷ đồng/phiên (tăng nhẹ 0,9% so với
quý II) trong khi GTGD bình quân trên UPCoM tăng
ấn tượng 17,3% so với quý liền trước lên 1.689 tỷ đồng/phiên. Trong bối cảnh mặt
bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp trong lịch sử, nhà đầu tư cá nhân
trong nước ngày càng tham gia nhiều hơn vào TTCK và là yếu tố chính giúp thanh
khoản thị trường duy trì ở mức cao. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng
khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 7 và tháng 8, số tài khoản mở mới của nhà đầu
tư cá nhân trong nước đạt trung bình hơn 110.000 tài khoản/tháng, giảm gần 10%
so với bình quân quý II nhưng vẫn tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá
nhân trong nước đạt gần 841.370 tài khoản, gấp 2,1 lần số tài khoản mở mới của
cá nhân trong nước trong cả năm 2020.
Cổ phiếu vốn hóa
vừa và nhỏ thu hút dòng tiền
Quý III/2021 chứng kiến sự thay đổi
khẩu vị của nhà đầu tư. Nếu như trong 2 quý đầu năm, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
thu hút dòng tiền và chi phối thanh khoản thị trường thì trong quý III/2021
dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Cụ
thể, GTGD hàng ngày trong quý III/2021 của VNSML (đại diện cho các mã vốn hóa
nhỏ) tăng 48,5% so với quý II/2021, dẫn đến mức tăng ấn tượng 18,2% của VNSML
Index trong quý III/2021. Thanh khoản bình quân của VNMID (đại diện cho nhóm cổ
phiếu vốn hóa trung bình) trong quý III/2021 tăng 29,6% so với quý liền trước,
trong khi chỉ số VNMID Index giảm nhẹ 0,7 % trong quý III/2021. Ở diễn biến
tiêu cực hơn, nhóm VN30 (đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa lớn) chứng kiến
thanh khoản sụt giảm tới 11,5% trong quý III/2021 so với quý liền trước. Dòng
tiền rút ra khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính khiến chỉ số
VN30 Index sụt giảm 4,9% trong quý III/2021.
Nhà đầu tư nước
ngoài tiếp tục bán ròng
Trong quý III/2021, nhà đầu tư nước
ngoài (ĐTNN) tiếp tục bán ròng tới 9.802 tỷ đồng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam
sau khi bán ròng 16.137 tỷ đồng trong quý II/2021 và 14.484 tỷ đồng trong quý
I/2021. Nhà ĐTNN bán ròng trên TTCK Việt Nam trong quý III do lo ngại làn sóng
COVID-19 thứ tư diễn biến phức tạp tới Việt Nam làm đứt gãy chuỗi cung ứng và
tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP cũng như kết quả kinh doanh (KQKD) của
các DNNY trong quý III/2021. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
phát đi tín hiệu dần thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) kể từ quý IV năm nay
cũng thúc đẩy xu hướng dòng vốn ĐTNN rút khỏi các thị trường mới nổi và cận
biên quay trở lại các thị trường phát triển. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2021,
nhà ĐTNN đã bán ròng lên tới 40.423 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam
TRIỂN VỌNG TTCK VIỆT NAM QUÝ IV/2021
Kỳ vọng chỉ số
VN Index quay trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.400-1.420 điểm
Chúng tôi nhận thấy có một số yếu
tố hỗ trợ cho TTCK Việt Nam trong quý IV/2021như sau:
Thứ nhất, làn
sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế từng bước mở
cửa trở lại. Số ca
lây nhiễm mới hàng ngày trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã giảm về
mức 5.000 – 6.000 ca/ngày, giảm mạnh so với giai đoạn trước đó là trên 10.000
ca/ngày. Số ca điều trị khỏi và ra viện liên tục tăng cao. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin
ngừa COVID-19 tăng nhanh trong quý III/2021. Cho đến ngày 25/9/2021, Việt Nam
đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 8,2% dân số, trong khi khoảng 31,3% dân số đã
được tiêm 01 mũi vắc-xin ngừa COVID-19. Chúng tôi ước tính tỷ lệ dân số Việt
Nam được tiêm ít nhất một mũi ngừa COVID-19 có thể được nâng lên mức 50% - 60%
vào cuối năm nay và đạt miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm 2022. Đây là những
cơ sở để Việt Nam dần mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ cuối tháng 9/2021, tạo
tiền đề để nền kinh tế phục hồi trở lại trong quý IV/2021.
Thứ hai, nhu cầu
đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng cao trong quý cuối năm. Quý IV là quý tiêu dùng chủ chốt tại các nền kinh tế
phát triển và do đó lượng đơn hàng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ
tăng cao dịp cuối năm. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và dần mở cửa trở lại nền
kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể tận dụng được việc nhu
cầu tiêu dùng trên thế giới tăng cao dịp cuối năm và đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó
thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ ba, các
chính sách hỗ trợ của Chính phủ: chính sách tài khóa (giảm thuế, phí, thúc đẩy đầu tư công), chính sách tiền tệ (giảm lãi suất
cho vay, hoãn, giãn nợ). Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ
để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng, Chính phủ đã và đang tung ra các gói kích thích tài khóa hỗ trợ doanh
nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng quy mô lên tới
gần 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thúc
đẩy các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân nốt 250.000 tỷ đồng đầu tư
công còn lại của năm 2021 trong quý IV để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đối với
chính sách tiền tệ (CSTT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng cho biết sẽ
nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho các ngân hàng thương mại
(NHTM) đủ điều kiện để góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, ngành
Ngân hàng cũng đã tiến hành hoãn, giãn nợ và giảm lãi vay cho các doanh nghiệp
và người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Với những gói hỗ trợ đồng bộ có
quy mô lớn của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt
Nam trong đó có các DNNY sẽ được hưởng lợi, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình phục
hồi và cải thiện KQKD rõ nét trong quý IV/2021.
Thứ tư, môi trường
lãi suất thấp, dòng vốn nội tiếp tục chảy vào TTCK. Theo quan sát của chúng tôi, lãi suất huy động và
cho vay tiếp tục xu hướng giảm trong quý III/2021 và về mức thấp trong nhiều
năm trở lại đây. Môi trường lãi suất thấp đã thúc đẩy dòng vốn của nhà đầu tư
cá nhân trong nước chảy mạnh vào TTCK Việt Nam. Với những động thái duy trì nới
lỏng CSTT của NHNN trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ
tiếp tục duy trì ở mức thấp trong quý IV/2021 và trong bối cảnh đó, kênh đầu tư
chứng khoán có thể tiếp tục thu hút thêm dòng vốn mới từ các nhà đầu tư cá nhân
trong nước.
Còn nhiều trở ngại
và thách thức trong quý IV/2021
Thứ nhất, rủi ro dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, diễn biến khó lường. Mặc dù tình hình dịch COVID-19
đã có những chuyển biến tích cực trong nửa cuối tháng 9/2021, tuy nhiên vẫn hết
sức khó lường trong những tháng cuối năm. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt
và bùng phát trở lại sẽ gây tác động rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh
doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn đến triển vọng KQKD trong quý IV.
Thứ hai, ngân hàng trung ương (NHTW) một số nước trên thế giới bắt đầu
thu hẹp dần quy mô các gói nới lỏng tiền tệ. Việc FED và NHTW Châu Âu (ECB)
phát đi tín hiệu thu hẹp dần gói nới lỏng định lượng QE kể từ cuối năm 2021 (sớm
hơn dự kiến trước đó) là một thông tin không mấy tích cực đối với dòng vốn nhà
ĐTNN tại các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi
cho rằng nhiều khả năng, khối ngoại có thể duy trì xu thế bán ròng trong quý IV
năm nay và đây tiếp tục là trở lực đối với TTCK trong quý IV/2021.
Thứ ba, định giá của TTCK hơi nhỉnh hơn so với các năm trước. VN Index hiện được giao dịch ở
mức P/E là 16,3 lần, cao hơn một chút so với P/E trung bình 3 năm là 16,1 lần
và chiết khấu khoảng 15% so với mức đỉnh vào cuối tháng 6. Chúng tôi tin rằng
thị trường đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng
COVID-19 thứ tư và sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm
2022. Chúng tôi duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận năm tài chính 2022/2023 ở mức
21%/18% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, dầu khí và
BĐS. Do đó, chúng tôi đánh giá định giá thị trường đã về mức hấp dẫn với tầm
nhìn trong dài hạn và thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của nhà
đầu tư cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp hiện nay.
TTCK kỳ vọng quay trở lại vùng đỉnh cũ 1.400 - 1.420 điểm vào cuối quý
IV/2021
Với những
thông tin hỗ trợ như đã phân tích ở phía trên, TTCK Việt Nam có đủ cơ sở để qua
trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.400 - 1.420 điểm vào cuối quý IV/2021. Chúng tôi
cho rằng thời điểm hiện tại là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư mua tích lũy và
xây dựng danh mục đầu tư cho năm 2022. Đối với năm 2022, chúng tôi đưa ra 4 chủ
điểm đầu tư chính như sau:
Một là, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ khi các nền kinh tế trên thế giới dần mở
cửa trở lại: Chúng tôi đánh giá tích cực đối với triển vọng năm 2022 của
các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ,
cao su, vật liệu xây dựng. Logistic và BĐS khu công nghiệp cũng được hưởng lợi
từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Hai là, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin sẽ là cú hích lớn cho ngành dịch
vụ trong năm 2022: Ngành dịch vụ được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm tới
sau khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% - 75% dân số
trong nửa đầu năm 2022. Các hoạt động như du lịch, hàng không, lưu trú và ăn uống
sẽ có sự bứt phá mạnh từ mức nền thấp của giai đoạn 2020 - 2021.
Ba là, câu chuyện phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sẽ nóng trở lại: Chúng tôi cho rằng đẩy mạnh
phát triển cơ sở hạ tầng là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế trong những năm tới. Bên cạnh cơ sở hạ tầng đường bộ và hàng không,
chúng tôi cho rằng các dự án phát triển năng lượng sẽ là điểm nhấn phát triển
trong 2 năm tới.
Bốn là, BĐS là lựa chọn đầu tư theo chu kỳ đáng chú ý: Thị trường BĐS
được dự báo sẽ bước vào giai đoạn phát triển thuận lợi trong năm tới khi nguồn
cung đang dần phục hồi nhờ nới lỏng pháp lý, bên cạnh nguồn cầu đang phục hồi
nhờ lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có và cơ sở hạ tầng được phát triển
mạnh mẽ.